Tin tức mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
NGƯỜI TRUYỀN LỬA VỚI TRÁI TIM NỒNG NÀN, NHIỆT HUYẾT

         Nhà sư phạm dân chủ Nga, Usinxki từng viết: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”. Quả thật, trong ánh mắt nhiều thế hệ giáo viên, phụ huynh và học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Lào Cai một trong những người thầy hội tụ đầy đủ những phẩm cách đáng quý đó chính là Thạc sỹ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hạnh - Gv Ngữ văn trường THPT Chuyên tỉnh Lào Cai. Ở cô giáo Nguyễn Thị Hạnh không chỉ sáng ngời tấm gương của một nhà giáo mẫu mực, miệt mài thắp sáng ước mơ bao thế hệ học trò bằng trái tim nhiệt huyết, mà còn là một người phụ nữ giàu nghị lực vững vàng, bền chí vượt lên nghịch cảnh trớ trêu, một người đồng nghiệp cởi mở, thân thiện rất đáng nể trọng và khâm phục.

         TRỞ THÀNH CÔ GIÁO TỪ TÌNH YÊU VĂN HỌC

Sinh ra và lớn trên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, ngay từ khi còn nhỏ, cô Hạnh đã nhận được tình yêu thương và sự giáo dục nghiêm khắc của cha, sự dưỡng dục ân cần của mẹ. Dường như chính tình yêu thương vô điều kiện ấy đã nhen nhóm trong cô ước mơ trở thành cô giáo dạy Ngữ văn. Năm 1996, rời giảng đường đại học Sư phạm Việt Bắc, với tấm bằng tốt nghiệt loại ưu, cô Hạnh đã tình nguyện đem sức thanh xuân và lòng nhiệt huyết của mình về đóng góp cho mảnh đất quê hương Lào Cai nơi cô từng sinh ra và lớn lên.

 

              Mái trường THPT Cam Đường (Lào Cai) là nơi cô Hạnh đã ươm những hạt giống đầu tiên của nghề chở đò thầm lặng. Công tác ở đó gần 10 năm cũng là khoảng thời gian cô tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm và phương pháp dạy học. Đến năm 2003, khi chuyên môn đã ở độ chín cũng là khi Trường THPT Chuyên Lào Cai mới thành lập, cô Hạnh đã tiên phong về đầu quân cho mái trường từ ngày ấy đến bây giờ.

Cô Nguyễn Thị Hạnh đang say sưa trong bài giảng Ngữ văn

          Nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến ngôi trường THPT Chuyên Lào Cai, cô từng băn khoăn, trăn trở về sứ mệnh của người thầy trong việc truyền lửa cho học sinh qua những tiết học. Bởi cô hiểu học sinh trường THPT Chuyên vốn rất tự tin, cá tính, kiến thức nền tảng tốt. Các em không xê xoa về mặt kiến thức mà sẵn sàng bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình về kiến thức còn chưa thỏa đáng. Thậm chí, các em dám nói lên quan điểm của mình, phản biện lại tư duy của giáo viên ngay trên lớp. Như vậy,“Làm thế nào để học sinh hứng thú với môn Ngữ văn? Làm thế nào để truyền cảm hứng cho học trò về tình yêu Văn học? Thấm thía câu nói của văn hào Anh Johanson:“Văn học là ánh sáng lý trí, nó giống như mặt trời, đôi khi có thể làm cho chúng ta nhìn thấy thứ mà chúng ta không thích”, cô Hạnh nhận thức sâu sắc Văn học là sự khám phá thế giới không giới hạn. Học sinh sẽ cảm thấy môn Ngữ văn thật lí thú, sẽ yêu thích say mê môn Ngữ văn, sẽ tích lũy những bài học thấm thía, bổ ích, giá trị nếu như người thầy say mê biết truyền cảm hứng cho học trò qua những giờ học không nặng về kiến thức. Nhưng muốn làm được như vậy, đầu tiên phải xuất phát từ tình yêu nghề, yêu trò, cùng với đó, người thầy phải có chuyên môn vững vàng, luôn đổi mới, tiếp cận tri thức mới. Đặc biệt, môn Văn còn hướng học sinh nhạy cảm với yêu thương, khơi gợi lòng trắc ẩn, bao dung từ đó hình thành nhân cách tốt đẹp. Ý thức vai trò trách nhiệm của mình trong đào tạo nhân tài, nên cô Hạnh không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực, ứng dụng linh hoạt công nghệ thông tin, vận dụng kĩ thuật dạy học hiện đại, cho phù hợp với từng giờ dạy chính khóa, dạy phụ đạo, bồi dưỡng HS.

 Cô Nguyễn Thị Hạnh say sưa với bài giảng Ngữ văn

         Vì thế, giờ học Ngữ văn của cô Hạnh ở trường THPT Chuyên đã thực sự trở thành những giờ học hạnh phúc. Các em không chỉ hào hứng, say mê mà còn tích lũy được hàm lượng kiến thức bổ ích. Nhưng hơn hết các em được giáo dục tư tưởng, đạo đức, biết yêu thương, đồng cảm, sẻ chia, bao dung và trở thành những con người có nghị lực, bản lĩnh trước những ngã rẽ cuộc đời. Rõ ràng khi giáo dục đổi mới, học sinh không phải là chiếc bình cho thầy cô đổ đầy kiến thức mà các em như những ngọn đuốc cần được người thầy thắp sáng bằng lòng yêu nghề để bùng cháy niềm đam mê. Chính vì vậy, mục tiêu giáo dục xuyên suốt mà cô Hạnh hướng tới không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà qua những bài giảng thẳm sâu lòng nhiệt huyết ấy, cô còn khơi gợi sự thú, sự sáng tạo và gửi gắm cả những bài học đạo đức, nhân cách. Nên lớp lớp những thế hệ học trò dưới sự dìu dắt ân cần của cô Hạnh, sau khi ra trường đã trở thành những công dân ưu tú của tỉnh Lào Cai, đang từng ngày góp phần không nhỏ xây dựng và kiến thiết thành phố trẻ giàu tiềm năng trong tương lai.

         LẶNG LẼ ƯƠM NHỮNG CÂY ĐỜI BẰNG NHIỆT HUYẾT THANH XUÂN.
         Là một trong những giáo viên gạo cội của Tỉnh Lào Cai có năng lực chuyên môn vững vàng, cô Nguyễn Thị Hạnh còn có biệt tài trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi Quốc gia. Hành trình 25 năm công tác ở trường THPT Chuyên, cô Hạnh đã gặt hái nhiều thành công khi đem về cho trường THPT Chuyên và giáo dục tỉnh Lào Cai gần 40 giải Quốc gia, nhiều huy chương Bạc, Vàng trong kì thi chọn HSG Hùng Vương, Duyên hải Bắc Bộ. Cô đã chắp cánh cho biết bao học trò tuyển thẳng vào giảng đường Đại học, nhiều học trò có cơ hội du học ở những trường Quốc tế danh giá trên thế giới. 

               Cô Nguyễn Thị Hạnh bên những học sinh giỏi Quốc gia

         Trong ngôi trường mang đặc thù riêng như Trường THPT Chuyên Lào Cai, cô Hạnh luôn nhận thức đầy đủ và đảm đương xuất sắc công việc của mình. Khi được Ban giám hiệu nhà trường giao trọng trách bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia cũng có nghĩa sứ mệnh của người thầy đặt trên đôi vai nhiều sức nặng. Đó cũng là vinh dự đồng thời cũng là thách thức lớn với cô giáo trẻ. Nhưng với lòng nhiệt thành, niềm đam mê và tinh thần trách nhiệm, cô Hạnh đã phát huy sở trường và thành quả đầu tiên mà cô chắt chiu, bồi đắp, nuôi dưỡng là học sinh Nguyễn Thị Hải Yến đạt giải Nhì Quốc gia năm học 2003-2004. Một sự khởi đầu đầy gian nan, thấm mồ hôi nước mắt nhưng cũng mang về cho cô Hạnh những trái thơm ngọt ngào. 

         Nhưng có lẽ không chỉ truyền lửa nhiệt huyết bằng lòng đam mê cháy bỏng, cô Hạnh còn có tấm lòng nhân ái đem trái tim gieo yêu thương làm ấm lòng nhiều học trò dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Hành trình lặng lẽ ươm những cây đời của cô Hạnh và sự vươn lên, bứt phá của cô học trò người Dao Lý Tả Mẩy là một trong những câu chuyện cảm động như thế. Biết Tả Mẩy đỗ Chuyên Văn, gia đình em lại không có điều kiện đưa con ra học bởi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mẹ đều ở xã vùng cao, chữ không biết viết, không nói sõi tiếng phổ thông, không biết kí tên khi đi họp phụ huynh cho con. Hơn nữa cho con lên thành phố học, sẽ không có ai phụ giúp công việc đồng áng và theo phong tục của người dân tộc thiểu số vùng cao, chuyện lấy chồng khi ở độ tuổi vị thành niên là điều không mấy xa lạ… Nhưng vốn biết Mẩy là cô bé ham học, có năng khiếu văn chương, không thể để mất một nhân tố hiếm hoi đó, nên cô Hạnh đã lặn lội đường xá xa xôi vượt hơn 50 cây số đường đèo dốc cheo leo vào tận nhà em Mẩy ở xã vùng cao huyện Bắc Hà để động viên, thuyết phục bố mẹ em cho con đến trường. Và lời khuyên chân thành, thấm thía của cô Hạnh:“Đừng để tục tảo hôn làm ảnh hưởng đến tương lai Mẩy. Hãy cho con gái được quyền đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa” đã lay động, thức tỉnh bố mẹ Mẩy để em tiếp tục được đến trường. Đồng thời trong quá trình dạy học chính khóa cũng như bồi dưỡng hs năng khiếu cô Hạnh đã đánh thức đam mê và khả năng Văn học ở cô bé nghèo hiếu học này. Không chỉ vậy, người phụ nữ có trái tim nhân ái ấy còn trao cho em nền tảng tri thức xã hội, văn học, lý luận và giúp em viết tiếp những ước mơ để Mẩy có hành trang tri thức vững vàng, tự tin vượt qua kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Tỉnh vươn ra xa đấu trọi với những bạn học sinh giỏi ở mọi miền trong toàn quốc. Có lẽ thành quả ngọt ngào mà vô cùng cảm động mà cô trò học Lý Tả Mẩy rèn rũa sau 2 năm, chính là giải Ba Quốc gia và em được tuyển thẳng Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2016. Thành công của Mẩy chính là món quá vô cùng ý nghĩa em dành tặng cho cô giáo yêu quý của mình. Giờ Lý Tả Mẩy đã trưởng thành và có công việc tương đối ổn định, nhưng có lẽ em sẽ chẳng thể nào quên được những kỷ niệm sâu sắc và công ơn của cô giáo Hạnh:“Em biết ơn cô Hạnh nhiều lắm! Ngày ấy, nếu không có cô động viên, quan tâm, yêu thương và chắp cách cho em khát vọng qua những bài giảng ắp đầy kiến thức và giá trị sống, có lẽ bây giờ em vẫn chỉ lùi lũi, cặm cụi như bố mẹ mình ở trong bản mà thôi. Nhờ cô - người mẹ thứ hai mà cuộc đời của cô bé người Dao như em mới thoát khỏi cuộc sống cơ cực, lam lũ”, Mẩy chia sẻ. 

Cô Nguyễn Thị Hạnh cởi mở và thân thiện bên đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia

          Nối tiếp những thành quả đáng ghi nhận, Cô Nguyễn Thị Hạnh còn tiếp tục cống hiến cho giáo dục Lào Cai nhiều giải có số trong hành trình bồi dưỡng học sinh giỏi Quốc gia. Ươm mầm và đào tạo nhiều học sinh dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Y Tý Bát Xát đạt giải Quốc gia, như em Giàng Thị Sang, Giàng Thị Chứ trong đó em Nguyễn Ngọc Diệp đã vinh dự đạt giải Nhất kì thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm học 2017 - 2018. Với những cống hiến thầm lặng đó, cô Nguyễn Thị Hạnh đã trở thành một trong những nhà giáo duy nhất tỉnh Lào Cai đánh thức được đam mê của những học trò người dân tộc thiểu số. Cô đã vinh dự, tự hào được trao tặng Bằng khen: Thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2014-2015 đến năm học 2018-2019 góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. 

         GẠT NHỮNG ĐAU THƯƠNG, TIẾP TỤC HÀNH TRÌNH GIEO CON CHỮ
         Qua khuôn mặt rạng ngời, đôi mắt biết nói và nụ cười luôn tỏa nắng trên môi, ít ai biết rằng cô Nguyễn Thị Hạnh đã từng trải qua những nghịch cảnh trớ trêu, khi chồng cô - người bạn đời mà cô yêu thương nhất mắc bệnh hiểm nghèo năm 2018. Cô và gia đình đã tìm mọi cách chạy chữa nhưng chồng cô vẫn không qua khỏi, rồi lặng lẽ ra đi khi công danh, sự nghiệp còn dang dở, khi những đứa con thơ đang tuổi đến trường. Trái tim bé nhỏ của cô dường như tan vỡ, đôi vai hao gầy của người mẹ giờ đây nặng trĩu hơn bởi những lo toan cơm áo, mái nhà ấm cúng hạnh phúc sum vầy ngày nào giờ đây thiếu vắng bóng hình người trụ cột. Cô đã suy sụp tinh thần trước nỗi đau và sự mất mát quá lớn của đời người. Dòng nước mắt đã cạn khô bởi bao đêm trằn trọc, mái tóc đã điểm hoa râm bởi những gánh nặng trên đôi vai người mẹ. Tưởng chừng có những lúc cô không vực nổi chính mình trước nỗi đau quá lớn. Nhưng bên cạnh cô còn những người thân, có hai con luôn yêu thương, an ủi, động viên, chăm sóc mẹ; xung quanh cô còn có những đồng nghiệp tận tình luôn quan tâm, sẻ chia; và còn nhiều lắm những học trò đang đợi chờ cô với những bài giảng cháy hết mình với những đam mê. Tất cả những điều đó đã trở thành động lực, tiếp sức, thôi thúc cô không thể không cứng cỏi, bản lĩnh và bền chí vượt qua đau thương.
Gạt đi những giọt nước mắt nóng hổi là nghị lực, ý chí, kiên cường của người người mẹ, là hành trình âm thầm, lặng lẽ của nghề phu chữ. Ngoài thời gian dành cho các con, phần lớn thời gian còn lại cô Hạnh miệt mài với công việc chuyên môn và bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Cô tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức mới, tích cực đổi mới và vận dụng linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật dạy học, từng bước tiếp cận với mô hình giáo dục phổ thông tổng thể, đồng thời tiếp thu những kiến thức bổ ích từ các chuyên gia, giáo sư, tiến sỹ đầu ngành trong nước và trên thế giới để bồi đắp nền tảng cho công cuộc bồi dưỡng học sinh năng khiếu tỉnh Lào Cai. Chính vì thế, các lứa học trò cô bồi dưỡng bao giờ cũng gặt hái những thành quả đáng khích lệ trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia, như em Vũ Thùy Dương, Nguyễn Ngọc Mai, Đoàn Hà Trang, Nguyễn Ngọc Diệp. Đồng thời, có những học trò nhờ đạt giải Quốc gia môn Ngữ văn mà cánh cửa du học ở các trường Đại học danh giá trên thế giới có cơ hội được mở rộng.
  Đặc biệt trước những làn sóng dịch bệnh COVID - 19 lây lan rất nhanh và có sức công phá lớn tới cộng động trong hai năm vừa qua. Dù tỉnh Lào Cai vẫn đang nằm trong vùng an toàn của đại dịch vẫn kiểm soát được sự lây lan ra cộng đồng, nhưng việc học trực tiếp của học sinh cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh cả nước đang gặp phải những khó khăn và thách thức đó, trước nhu cầu đổi mới hình thức dạy học, cô Hạnh cũng là một trong những nhà giáo đầu tiên của tỉnh Lào Cai tiên phong chuyển đổi số trong dạy học, áp dụng mô hình “lớp học đảo ngược”, “bức tường lửa” để phát huy năng lực, phẩm chất của học trò. Thậm chí trong hoàn cảnh khó khăn ấy, với sự tận tụy và tấm lòng nhiệt huyết, cô đã đã biến thách thức thành thời cơ, tiếp tục vun trồng, bồi dưỡng những học sinh năng khiếu. Để rồi có những học trò nỗ lực thi vượt cấp và hai năm liên tiếp đạt giải Ba, giải Nhì cấp Quốc gia như em La Hoàng Lê. Trong Lễ vinh danh nhà giáo tiêu biểu tỉnh Lào Cai, Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai - Dương Thị Bích Nguyệt đã biểu dương những đóng góp âm thầm của cô giáo Hạnh: “Trình độ chuyên môn vững vàng và đam mê với nghề là những gì mà bất cứ đồng nghiệp nào cũng cảm nhận được về nhà giáo Nguyễn Thị Hạnh. Những nỗ lực, sáng tạo và cống hiến của cô đối với Giáo dục tỉnh Lào Cai đã được thể hiện bằng hành trình dài với những kết quả rất đáng khâm phục. Chúng tôi hết sức tự hào về cô - người phụ nữ kiên cương và đam mê với nghề gieo chữ ”.

Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai - Dương Thị Bích Nguyệt (thứ 7 từ trái qua)  động viên các thầy cô và các em học sinh trường THPT Chyên Lào Cai

             Cô Nguyễn Thị Hạnh bên học trò trong ngày Khai giảng năm học mới

          TRUYỀN CẢM HỨNG VÀ LAN TOẢ NHỮNG ĐAM MÊ

          Không chỉ là người phụ nữ thông minh, tiên phong trong phòng trào “thi đua dạy tốt, học tốt”, không chỉ say mê trong lĩnh vực bồi dưỡng học sinh năng khiếu, mà qua mỗi năm giảng dạy, cô Hạnh còn tích lũy những kinh nghiệm quý báu để cho ra đời những sáng kiến bổ ích, lý thú được Sở giáo dục & Đào tạo Lào Cai công nhận và áp dụng rộng rãi tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Lào Cai, như “Chất thơ trong truyện ngắn” năm 2016, “Rèn kỹ năng làm kiểu bài lý luận văn học cho học sinh giỏi môn Ngữ văn” năm 2018, “Rèn luyện nâng cao kỹ năng làm văn nghị luận xã hội cho học sinh giỏi môn Ngữ văn” năm 2019. Bên cạnh đó, cô Hạnh còn là cây bút nghiên cứu chuyên ngành văn học rất sắc sảo. Trong đó có những bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong nước, quốc tế, như “Nhân vật tha hóa trong tiểu thuyết của Dương Hướng” Tuyển tập công trình nghiên cứu Ngữ văn học tập 2, NXB Đại học Sư Phạm Hà Nội -  năm 2016; “Bi kịch của nhân vật Trần Tăng trong tiểu thuyết Dưới chín tầng trời của Dương Hướng”, Đồng tác giả với Tiến sĩ Đoàn Đức Hải, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Thái Nguyên, tháng 12 năm 2016. 

Cô Hạnh và đồng nghiệp Tổ Ngữ văn trường THPT Chuyên trong ngày Khai giảng

         Với chuyên môn vững vàng, nhạy bén trong tư duy, đổi mới trong giáo dục và ý thức trách nhiệm cao trong công việc, 25 năm qua cô Hạnh luôn được Sở giáo dục Lào Cai công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh, tín nhiệm lựa chọn là cốt cán chuyên môn Ngữ văn. Là nhân tố tích cực có tầm ảnh hướng rất lớn tới đồng nghiệp và cũng là người gieo đam mê cho những thế hệ nhà giáo đi sau. Qua mỗi đợt tập huấn, cô không chỉ chia sẻ, truyền cảm hứng về kinh nghiệm quý báu mà bản thân tích lũy trong hành trình gian nan mà hạnh phúc khi đảm đương trọng trách bồi dưỡng học sinh giỏi mà còn giúp đỡ rất nhiều đồng nghiệp bằng sự tận tụy, tâm huyết, nhiệt tình của mình. Vì thế những thế hệ nhà giáo đi sau ở trường THPT Chuyên được cô Hạnh bồi dưỡng đều đã trưởng thành, vững vàng về chuyên môn, linh hoạt về phương pháp và đều là những giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh như cô Bùi Thị Thanh Hoa, Cao Ánh Tuyết, Lê Thị La. Và trong số đó có những nhà giáo trở thành cốt cán của Tỉnh như cô Bùi Thị Thanh Hoa, Cao Ánh Tuyết. Với những kiến giải sáng tạo, đóng góp thầm lặng và không ngừng lan tỏa niềm đam mê, cô Hạnh đã vinh dự được Chủ Tịch UBND tỉnh Lào Cai chứng nhận gương ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020. 

Cô Nguyễn Thị Hạnh vinh dự tham gia Chương trình giao lưu Điển hình tiên tiến tỉnh Lào Cai

Cô Nguyễn Thị Hạnh trong trong Lễ Tuyên dương khen thưởng Nhà giáo tiểu biểu tỉnh Lào Cai

         Bên cạnh đó, cô còn tham mưu cho chuyên viên Sở Giáo dục và đào tạo lập chương trình giáo dục, kế hoạch giáo dục Ngữ văn cho cấp THPT toàn tỉnh; tích cực trong phong trào trường giúp trường, có biện pháp giúp đỡ hiệu quả trường THPT số 2 Si Ma Cai; THPT số 2 Bát Xát, THPT số 2 Mường Khương góp phần từng bước nâng chất lượng giáo dục của nhà trường. Đặc biệt tỷ lệ tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn ở các trường THPT đặc biệt khó khăn đã có những khởi sắc. Với tư duy nhạy bén, cô Hạnh cũng là người đầu tiên của tỉnh Lào Cai đề xuất giúp đỡ Phòng giáo dục & đào tạo Lào Cai trong công tác bồi dưỡng giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cấp THCS. Bởi cô thực hiểu chất lượng học sinh giỏi Quốc gia cấp THPT có đạt được kết quả cao hay không, một phần không nhỏ phụ thuộc vào nền tảng kiến thức các em được trang bị từ cấp THCS. Nên trong thời gian qua, nhờ góp những viên gạch hồng xây dựng nền tảng tri thức văn học và lý luận cho giáo viên và học sinh THCS trên địa bàn thành phố Lào Cai đã thực sự lan tỏa niềm đam mê Văn học tới rất nhiều học sinh và đó cũng là những bước đệm vững chãi giúp các thế hệ học sinh sải cánh xa hơn trong hành trình Chinh phục học sinh giỏi Quốc gia sau này.  

         25 năm gắn bó với nghề chở đò thầm lặng là bấy nhiêu năm cô Hạnh tận tụy cống hiến hết mình cho giáo dục tỉnh Lào Cai. Chừng ấy năm âm thầm gieo con chữ, cũng là chừng ấy năm cô Hạnh khai sáng trí tuệ, mở mang tri thức, thắp sáng ngọn lửa tâm hồn tới bao thế hệ học trò bằng chính trái tim nhiệt huyết. Với những cống hiến không ngừng nghỉ, sự hi sinh âm thầm lặng lẽ và nghị lực phi thường của cô Nguyễn Thị Hạnh thực sự là những mốc son đỏ tạc vào bảng vàng thành tích của trường THPT Chuyên và ngành giáo dục tỉnh Lào Cai. Cô đã vinh dự và tự hào được trao tặng nhiều Bằng khen, Huân huy chương cao quý của Sở giáo dục đào tạo Lào Cai, Chủ Tịch UBND tỉnh Lào Cai, Công đoàn Ngành giáo dục Lào Cai, Bộ Trưởng Bộ giáo dục và Thủ tưởng chính phủ. Và vinh dự, tự hào và xúc động hơn nữa khi cô giáo Nguyễn Thị Hạnh được Chủ Tịch Nước phong tặng NHÀ GIÁO ƯU TÚ - đại diện hơn một nghìn cán bộ, giáo viên, công nhân viên trên địa bàn tỉnh Lào Cai tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020.

             Cô Nguyễn Thị Hạnh (thứ 5 từ trái sang) trước thềm Đại hội thi đua yêu nước Toàn quốc lần thứ X-2020 

Cô Nguyễn Thị Hạnh (thứ 7 từ phải sang) trong buổi Đại hội thi đua yêu nước Toàn quốc lần thứ X-2020

         Có thể thấy, những đóng góp âm thầm mà cao quý của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hạnh đã cống hiến cho Ngành giáo dục Lào Cai 25 năm qua mãi mãi được tôn vinh, khâm phục và nể trọng. Ngày hôm nay, trường THPT Chuyên Lào Cai đã vươn xa, xứng tầm với vị thế các trường THPT Chuyên trong toàn Quốc và cô giáo Nguyễn Thị Hạnh vẫn ngày đêm miệt mài bên trang giáo án, vẫn âm thầm, tận tụy với nghề chở đò thầm lặng, vẫn không ngừng gieo những hạt giống đỏ cho giáo dục Lào Cai, vẫn tiếp tục lan tỏa những đam mê đến đồng nghiệp đi sau để góp phần “xây dựng trường học hạnh phúc, hội nhập và phát triển”. Chúng tôi - những thế hệ nhà giáo đi sau thực sự xúc động về nghị lực phi thường của cô, luôn bày tỏ lòng biết ơn, cảm phục và ngưỡng mộ cô - NGƯỜI TRUYỀN LỬA VỚI TRÁI TIM NỒNG NÀN NHIỆT HUYẾT.


                                                                                                        Ma Thị Bích Thu
                                                                                              Gv Trường THPT số 1 Bảo Yên
    

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image