Tin tức mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Phát huy phẩm chất, năng lực người học qua hình thức sân khấu hóa trong môn Ngữ văn
              Ngữ văn là môn học đặc thù trong nhà trường phổ thông. Để mỗi giờ học văn lắng đọng trong tâm hồn học trò, các nhà giáo cần tích cực đổi mới phương pháp dạy – học bằng các phương pháp, kỹ thuật phù hợp nhằm khơi lên ở mỗi học sinh hứng thú học tập, coi giờ học văn là một sự trải nghiệm bổ ích về cuộc sống, kỹ năng sống. Sân khấu hóa giờ dạy – học môn Ngữ văn là một cách làm hiệu quả, để từ đó học trò có cơ hội và điều kiện phát huy năng lực và phẩm chất cần thiết…
           Cùng với các hình thức tổ chức giờ học tích cực khác, sân khấu hóa là cách làm được tổ Ngữ văn trường THPT số 1 Bảo Yên áp dụng theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh, phát triển năng lực của người học. Trước khi áp dụng hình thức này, mỗi nhà giáo cần có sự nhận thức đúng về sân khấu hóa trong giờ học. Trước đây, mỗi giờ học Ngữ văn đều đi theo một lối đi truyền thống là hoạt động của thầy, sách giáo khoa, hoạt động của trò, giải quyết kiến thức tiết học bằng một công thức dường như có sẵn. Nếu giữ mãi phương pháp như thế, giờ học sẽ trở nên đơn điệu, nhàm chán, học sinh sẽ không còn hứng thú với môn học, thậm chí sẽ sợ học môn Ngữ văn khi phải trả lời những câu hỏi liên quan đến tư tưởng, đạo lý, các giá trị cuộc sống. 
          Trong những năm gần đây, để đổi mới giờ dạy – học môn Ngữ văn, hình thức sân khấu hóa được chủ động, mạnh dạn áp dụng và mang lại hiệu quả thiết thực. Hình thức sân khấu hóa được thực hiện trên cơ sở học sinh sắm vai, chuyển thể tác phẩm ngôn từ sang sân khấu kịch, diễn xướng các loại hình văn học dân gian, diễn xuất theo các nhân vật trong tác phẩm…Sân khấu hóa được thực hiện khá đa dạng, ở nhiều thời điểm trong giờ học Ngữ văn như phần khởi động tạo vấn đề để dẫn vào bài, tạo hứng thú, hâm nóng giờ học. Có thể tiến hành ở giữa tiết học sau khi đã đọc – hiểu một phần nào đó của văn bản hoặc cuối tiết học để củng cố kiến thức và tạo ấn tượng, sự lắng đọng giờ học văn trong tâm hồn học sinh. Sân khấu hóa được tiến hành ngay ở không gian lớp học, thường là ở bục giảng. Sau đó, nếu tiết mục đặc sắc có thể công diễn vào các giờ ngoại khóa trước toàn trường. 
            Để sân khấu hóa thành công ở mỗi tiết học Ngữ văn, cả thầy và trò đều có sự chuẩn bị công phu trước giờ học. Trước hết, đó là viết kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học thành thể loại kịch để diễn xướng, diễn xuất. Phần việc này khá vất vả bởi từ hình tượng trong tác phẩm, chuyển thể thành tiểu phẩm vừa phải trung thành với văn bản gốc, vừa phải hấp dẫn và mang lại hiệu quả giáo dục cao.
 
(Một cảnh diễn xuất của học sinh trong truyện ngắn “Vợ nhặt” - Kim Lân)

             Đồng thời, để diễn xuất thành công và mới lạ, công việc chuẩn bị cho hóa trang khá công phu. Từ định hướng của giáo viên, học sinh sẽ phải chuẩn bị trang phục, loa, máy chiếu, các dụng cụ để diễn xuất. Ngoài ra, để diễn xướng các thể loại văn học dân gian cần chuẩn bị các nhạc cụ như sáo, nhị, khèn, quạt, trống cơm, bàn ghế…
          Để công việc chuẩn bị cho sân khấu hóa bớt đi sự vất vả, tốn kém về kinh phí, giáo viên cần định hướng cho học sinh tận dụng những vật liệu có sẵn trong nhà trường để sử dụng linh hoạt, sáng tạo trong khi diễn xuất. Ở những tiết học chỉ cần một đoạn sân khấu hóa thì có thể không cần đến trang phục và hóa trang cầu kỳ mà chủ yếu tập luyện diễn xuất và lời nói của học sinh. 
           Vào mỗi tiết học có áp dụng hình thức sân khấu hóa, giáo viên cần để cho học sinh chủ động đứng ra tổ chức, giáo viên sẽ ở trong vai người dự và nhận xét sau khi tiết mục kết thúc. Với sự chuẩn bị, học sinh được giao diễn xuất sẽ giới thiệu về tiết mục, người thực hiện, mục đích của tiết mục và tham gia diễn xuất. 
          Lúc này, trên sân khấu, học sinh sẽ sắm vai là những diễn viên không chuyên diễn xuất những tiểu phẩm được rút ra từ tác phẩm, đoạn trích hay diễn xướng các thể loại văn học dân gian. Đây là cơ hội để học sinh phát huy các năng lực của mình, phát huy tính tích cực, chủ động trong giờ học. Trước hết, đó là sự bạo dạn, tự tin trước đám đông, các em học sinh sẽ không còn e dè, nhút nhát hay đỏ mặt khi đứng trước thầy cô và đông đảo các bạn. Các em học sinh sẽ phát huy các khả năng vốn có như lời nói nghệ thuật, kỹ năng diễn sân khấu, năng lực hát, đàn, sáo, khèn…Đồng thời, từ khâu chuẩn bị đến khi diễn xuất, học sinh sẽ phát huy được trí tưởng tượng đa dạng, phong phú để có những sáng tạo đặc biệt khi chuyển thể tác phẩm, diễn xướng thể loại.
            Bằng hình thức sân khấu hóa, môn học Ngữ văn đã tạo được dấu ấn sâu đậm trong tâm trí học trò, qua đó phẩm chất và năng lực của người học cũng được hình thành và phát huy qua từng tiết học.
              
                                                                                                               Hoàng Thị Thu Hằng
                                                                                                         Trường THPT số 1 Bảo Yên

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin khác