Tin tức mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
CẢM NHẬN VĂN CHƯƠNG

CẢM NHẬN VĂNHỌC:

 BÌNH THƠ: BÀI “CHÚT THƠ TÌNH NGƯỜI LÍNH BIỂN”CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA

Nhắc tới Đất nước Việt Nam là nhắc đến dải đất cong cong hình chữ S, là nhắc đến dải đất mà mặt hứng gió Biển Đông, lưng tựa dãy Trường Sơn hùng vĩ, đó cũng là dải đất gắn liền với những thềm lục địa, với những con sóng vỗ ầm ào. Tự hào thay Biển đảo quê hương. Nơi ấy, có những người lính thuỷ vẫn ngày đêm thao thức, vẫn ngày đêm canh giữ cho vùng trời, vùng biển yêu thương…Viết về Trường Sa, viết về lính đảo đã trở thành nguồn cảm hứng dạt dào và bất tận trong tâm hồn, trong trái tim nhiều nghệ sĩ. Và có lẽ, trong mỗi chúng ta, không ai là không một lần được nghe những giai điệu, những ca từ thật mênh mang và sâu lắng trong “chút thơ tình người lính biển” phổ nhạc Hoàng Hiệp, thơ Trần Đăng Khoa. Bài thơ chính là những tiếng lòng, là những trải nghiệm của tác giả trong những năm tháng là lính đảo một thời.

            Xuyên suốt mạch cảm xúc của toàn bài là âm điệu ngân vang, dạt dào trập trùng như sóng biển:

            Anh ra khơi,

            Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng

            Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng

            Biển một bên và em một bên

            Mở đầu bài thơ là những thanh bằng gợi âm điệu mênh mang, dàn trải “anh ra khơi”, chỉ vẻn vẹn ba từ nhưng mở ra một không gian biển khơi mênh mông, bát ngát…cùng với không gian ấy là tâm trạng thênh thênh, phơi phới của người lính đảo. Hình ảnh thơ trở nên đẹp hơn, lãng mạn và bay bổng  khi trong mắt anh: những áng mây trắng phiêu du như in dấu cánh buồm. Cánh buồm chở khát vọng, chở tình yêu, chở cả cái xôn xao, náo nức của buổi lên đường, chở cả cái hăm hở, quyết tâm vươn lên phía trước của người lính trẻ.

             Với các anh, hành trình đến với khơi xa là hành trình với muôn trùng sóng, muôn trùng gió, và muôn trùng những cơn bão biển, và trong muôn trùng ấy là bóng hình người con gái yêu thương. Bởi thế, đọng lại trong cảm xúc của người lính trẻ trong buổi lên đường là giây phút chia tay đầy nhung nhớ: “Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng/ biển một bên và em một bên”  lời thơ khi cồn cào, da diết, khi lắng đọng, mênh mang, khi lại ngân rung như khúc hát, khi lại dập dìu như những con sóng biển…

Nói sao cho hết tâm tư người lính trẻ, câu thơ vì thế cũng trải dài, cũng miên man nỗi nhớ…

     
       Biển ồn ào, em lại dịu êm

            Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ

            Anh như con tàu, lắng sóng về hai phía

Biển một bên và em một bên


            Biển dữ dội, ồn ào/ em bình yên, lặng lẽ/ biển mãnh liệt khát khao/ em dịu êm, sâu thẳm… Hình tượng “em” và “biển” xuất hiện liên tiếp trong các dòng thơ, một mênh mông vô tận, một bé nhỏ, khiêm nhường. Giữa hai nửa yêu thương ấy là lòng anh cồn cào như sóng vỗ. Giữa tình yêu và khát vọng, giữa cái riêng và cái chung, giữa tình yêu em và tình yêu đất nước đều xâm chiếm lòng anh, đều gợi trong anh nhiều nghĩ suy, nhiều trăn trở. Phải thế chăng mà câu thơ thoáng chút ngập ngừng, bối rối, thoáng chút xáo trộn tâm tư “Anh như con tàu lắng sóng về hai phía”. Từ “lắng” diễn tả thật hay, thật tinh tế cảm xúc của nhân vật trữ tình. Chỉ một từ thôi nhưng gợi nhiều tâm trạng. Giữa hai lựa chọn, giữa biển và em, giữa tình yêu và khát vọng, anh đang lắng lòng mình lại, lắng từng hơi thở, lắng từng nhịp đập,lắng cả những thổn thức bồi hồi nơi sâu thẳm trái tim…Và rồi, bất ngờ tứ thơ lại vút lên bay bổng, lại ngân nga giai điệu: “Biển một bên và em một bên”. Biển và em, tình yêu đôi lứa và tình yêu đất nước đều gần gũi, thân thiết, đều quan trọng trong anh không thể tách rời

            Vâng! nếu không yêu biển hết mình, không yêu em mãnh liệt, không có một tình yêu nồng nàn, say đắm, không có một tình yêu chân thành da diết, thì tác giả không thể thổi vào câu thơ cảm xúc lắng đọng mà nhiều man mác, nhiều bâng khuâng, nhiều khắc khoải, nhiều cồn cào đến thế.

Chính tình yêu của em sẽ tiếp cho anh niềm tin, sức mạnh, sẽ là động lực để thôi thúc anh đến với khơi xa.

           Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn

Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc

                       Thăm thẳm nước trôi nhưng anh không cô độc               
Biển một bên và em một bên

Điệp từ “ngày mai” được nhấn lại hai lần, hơi thơ như trải dài vô tận, mạch thơ như cũng vươn dài, vươn mãi đến khơi xa, cái ngút ngàn của biển khơi, cái ngút ngàn của nỗi nhớ như đan xen, như quyện hoà làm một. Ngày mai, khi em về thành phố với lung linh ánh điện, với tấp nập ồn ào, với dòng người đông đúc thì anh lại đến với khơi xa, anh lại đến với đảo chìm, đảo nổi, anh lại đến với những giàn khoan, nơi ấy chỉ có ánh sao đêm “xa lắc”, nơi ấy chỉ có dòng nước trôi “thăm thẳm”, tất cả đều tĩnh mịch, lặng buồn. Từ “xa lắc”, “thăm thẳm” gợi bao cách biệt, xa xôi, gợi cả trùng trùng thương nhớ. Và giữa không gian vắng vẻ ấy, giữa cái lồng lộng của đất trời, giữa cái mênh mông của biển cả, anh chỉ có một mình - một mình nhưng không hẫng hụt, chông chênh, một mình nhưng không cô đơn, trống trải, Bởi bên anh luôn có “Biển một bên và em một bên’

Một lần nữa, điệp khúc lại vang lên, xoá nhoà khoảng cách, xoá nhoà không gian, xoá nhoà ranh giới đất liền - biển cả,  xoá nhoà cả sự cách biệt xa xôi…Điệp khúc như nhịp cầu nối liền anh với em, nối liền biển với tình yêu đôi lứa. Lắng lòng mình trong từng câu chữ, để cảm xúc chơi vơi theo từng âm điệu của ngôn từ, ta sẽ thấy lòng mình như cũng dạt dào, bay bổng, phải thế chăng mà câu thơ càng đọc càng thấm thía và sâu sắc, càng thêm thi vị, trữ tình…

            Và từ tình yêu đôi lứa, tình yêu tha thiết dành cho em, tác giả đã nhắc nhở lòng mình về một tình yêu to lớn, vẹn tròn, một tình yêu cao cả, thẳm sâu, tình yêu đất nước:

            Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên

            Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng

            Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng

            Biển một bên và em một bên

            Với các anh, mỗi sải nước, mỗi phân thềm lục địa, mỗi cột mốc tiền tiêu đều là một phần máu thịt, đều là những gì thân thuộc nhất của đời mình. Bởi thế, giữa trời khuya, đảo vắng, giữa thiên nhiên khắc nghiệt, giữa không gian giá lạnh đêm đông và giữa muôn trùng sóng gió, anh vẫn đứng gác ngày đêm, anh vẫn tự tin,kiêu hãnh bám biển, canh trời.

            Đoạn thơ khép lại toàn bài, gửi gắm nhiều, thật nhiều tâm sự và nỗi lòng của người lính trẻ:

            Vòm trời kia có thể sẽ không em

            Không biển nữa, chỉ còn anh với cỏ

            Cho dẫu thế thì anh vẫn nhớ

Biển một bên và em một bên

Một lần nữa điệp khúc lại vang lên nhằm khẳng định và khắc sâu thêm tinh thần và ý chí quyết tâm của người lính đảo, dù bị đặt vào muôn trùng khó khăn, muôn trùng thử thách, dù phải đối mặt với sự trống trải, cô đơn, dù phải chấp nhận cả sự hi sinh, mất mát “sẽ không em”, “không biển nữa” không tất cả những điều ý nghĩa và thân thuộc, chỉ còn anh với cỏ, chỉ còn anh với nấm mồ hiu quạnh thì trong anh vẫn không bao giờ nguôi nhớ: “biển một bên và em một bên” tình yêu em và tình yêu đất nước luôn hài hòa, nồng thắm ở trong anh

Dù bài thơ khép lại, nhưng đọng mãi trong tâm hồn, trong cảm xúc của mỗi chúng ta vẫn là những điệp khúc du dương, êm ái. Vâng! càng đọc, càng ngẫm, ta càng nhận ra bao điều thi vị, ta như nhận ra cái tĩnh lặng, êm đềm của biển cả, cái dạt dào, khoáng đạt của khơi xa…Những vần thơ ấy là sự giao thoa, cộng hưởng của thơ và nhạc, là sự gạn lọc, chắt chiu, là sự chưng cất của một tâm hồn với biết bao trăn trở, nghĩ suy, của một tâm hồn nhiều tinh tế và nhạy cảm…Để rồi mỗi lần đọc “Chút thơ tình người lính biển” ta lại thêm hiểu, thêm yêu, thêm quý và thêm trân trọng, cảm phục biết bao sự hy sinh lặng thầm mà cao đẹp của những người lính đảo. Một lần nữa, xin cảm ơn nhà thơ Trần Đăng Khoa, xin cảm ơn những người lính đảo - những người lính đã dành trọn trái tim mình cho tổ quốc thân yêu

                          

Hoàng Thị Thu Hằng - GV Ngữ văn Trường THPT số I Bảo Yên - Lào Cai

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image